35 đêm ngủ lều trên xe
Chia sẻ với Thanh Niên,ợchồngtrẻđưaconthángtuổixuyênViệtngàybằngôtôhotmail anh Nguyễn Ngọc Minh (29 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết do không lên kế hoạch trước nên chuyến đi không lịch trình cụ thể. Ban đầu cả nhà đi dọc từ nam ra bắc. Trên hành trình, anh gặp được những người cùng đam mê nên ghép đoàn đi cùng nhau hơn 1 tháng.
"Bạn đồng hành" của gia đình trong chuyến đi là xe bán tải 2 cầu. Suốt hành trình, cả nhà không gặp phải sự cố nào quá khó khăn, chỉ thỉnh thoảng phải đi qua những đoạn đường bùn lầy. Trên xe, anh chất thêm chiếc lều chuyên dụng để cả nhà ngủ. Lều có thiết kế riêng, tách biệt, khi xe dừng, anh mới căng ra để cả nhà có chỗ nghỉ ngơi.
Anh Minh cho biết, để đi cắm trại nhiều ngày, việc ngủ nghỉ rất quan trọng. Nếu không ngủ thoải mái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu suất lái xe an toàn. Anh chọn việc lắp lều chuyên dụng vì những lý do như: lều có nệm thoải mái, không gian rộng, côn trùng không vào được, đảm bảo an toàn khi gặp thời tiết xấu như mưa, giông lốc… "Trong hành trình, nhà mình đã có 35 ngày ngủ lều, 10 ngày ngủ ở homestay và khách sạn do yếu tố khách quan. Điện, nước, đồ nấu ăn và tủ lạnh dự trữ mọi người đều có nên việc ăn uống và sinh hoạt rất dễ dàng, thoải mái", anh chia sẻ.
Trước đây, anh Minh đã đi xuyên Việt 2 lần bằng xe máy. Lần này đi bằng xe bán tải, anh nhận ra có thêm những ưu điểm như: đa dạng đồ đạc mang theo, chủ động thời gian, dễ đi những cung đường khó, mang được thiết bị cắm trại… Quan trọng hơn là cả nhà có thể vi vu cùng nhau.
Kinh nghiệm đưa con nhỏ đi xuyên Việt
Vợ chồng anh quyết định đưa con gái còn khá nhỏ đi cùng nhưng không gặp khó khăn trong việc chăm sóc bé. Trước đó, khi bé mới 3 tháng tuổi anh chị đã đưa bé đi dã ngoại với những chuyến ngắn ngày.
Trên xe, cặp vợ chồng trang bị ghế cho trẻ em để con có thể nghỉ ngơi, có chỗ ngồi an toàn và thoải mái trong suốt hành trình. "Về những đồ dùng cần thiết như áo ấm, sữa bột, cháo dinh dưỡng, tã giấy… luôn đem dư để có thể xử lý tình huống cho bé", anh Minh kể.
Lý do để vợ chồng anh thực hiện chuyến đi khi con còn nhỏ là anh biết quá trình hình thành tư duy và tính cách của trẻ sẽ bắt đầu từ 0 - 6 tuổi. Ở giai đoạn này, anh mong bé được trải nghiệm nhiều, thích nghi và làm quen với những hoạt động ngoài trời. Chuyến đi dài hạn giúp bé thích nghi được nhiều dạng thời tiết khác nhau, từ đó tăng cường sức đề kháng trong cơ thể. Mỗi khi dừng chân, anh đều chọn những địa điểm hoang sơ, gần gũi thiên nhiên, có phong cảnh đẹp để dựng lều nghỉ qua đêm như: Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên); bản Phùng, Hoàng Su Phì, đỉnh Chiêu Lầu Thi (Hà Giang), núi Mắt Thần (Cao Bằng)… "Trong chuyến đi, mình ấn tượng nhất là làng nguyên thủy Hang Táu (cách trung tâm Mộc Châu 20 km). Ở đây có bãi cỏ xanh, những căn nhà gỗ của người H'Mông tạo thành cụm biệt lập được bao bọc bởi núi rừng, không có internet, sóng điện thoại. Gia đình mình đã biết thêm nhiều điều khi chứng kiến cuộc sống của họ", người chồng bày tỏ.
Cũng theo anh Minh, nếu gia đình nào chưa từng đưa con nhỏ đi "phượt" những chuyến ngắn ngày trước đó, anh sẽ không khuyến khích ba mẹ đưa con đi dài ngày. Phụ huynh chưa từng đi dã ngoại nên đưa con đi du lịch nghỉ dưỡng sẽ phù hợp hơn.
Chị Trần Thanh Thảo (26 tuổi), vợ anh Minh, cho hay mỗi hành trình đều có một trải nghiệm khác nhau. Lần này vợ chồng được cùng con kết nối nhiều hơn với thiên nhiên. "Trong chuyến đi, trung bình mỗi ngày gia đình mình chi tiêu khoảng 1 triệu đồng. Trước đó nhà mình cũng mua thêm một số trang thiết bị phục vụ cho việc sinh hoạt như máy phát điện, bình trữ nước, nguyên liệu, dụng cụ nấu ăn… Mình hy vọng cả nhà sẽ có thêm nhiều chuyến đi khác để con gái có thật nhiều trải nghiệm với thiên nhiên", người vợ tâm sự.